Văn bản của Bộ giáo dục và đào tạo

(Ban hành kèm theo Quyết định số 46 /2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/8/2007 của Bộ trưởng BGDĐT)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Văn bản này quy định về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: Nội dung công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng nhà trường và tổ chức thực hiện.
  2. Quy định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi chung là các trường học).

Điều 2. Yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học

  1. Là nhiệm vụ thường xuyên của các trường học.
  2. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa chính quyền với các tổ chức đoàn thể trong trường học; giữa nhà trường với địa phương và gia đình người học.
  3. Chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, chủ động phòng ngừa kết hợp với đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, cán bộ, nhân viên (sau đây gọi chung là cán bộ, nhà giáo) và người học vi phạm pháp luật.

Điều 3. Các hành vi không được làm trong trường học

  1. Truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo.
  2. Tuyên truyền chống phá Nhà nước; in, sao, phát tán, sử dụng các tài liệu có nội dung phản động, bạo lực, đồi trụy; tham gia biểu tình, lập hội, câu lạc bộ và các hình thức hoạt động khác trái với quy định của pháp luật.
  3. Giảng dạy, phát ngôn hoặc có các hình thức, hành vi xuyên tạc nội dung giáo dục, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
  4. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của người học, cán bộ, nhà giáo và người khác.
  5. Sử dụng các loại văn bằng, chứng chỉ trái pháp luật; gian lận trong học tập, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện.
  6. Đánh nhau, gây rối trật tự xã hội.
  7. Mang vũ khí, hung khí, chất cháy, nổ, các loại hóa chất độc hại trái phép vào trường học.
  8. Tham gia tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, đánh bạc, mê tín dị đoan và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Chương II

NỘI DUNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC

Điều 4. Công tác giáo dục, tuyên truyền

  1. Phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của liên Bộ, liên ngành và của địa phương về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến từng cán bộ, nhà giáo và người học.
  2. Giáo dục, định hướng về tư tưởng, chính trị nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của cán bộ, nhà giáo và người học về âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phương thức, thủ đoạn của tội phạm.
  3. Thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho người học thông qua một số môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
  4. Tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho người học.

Điều 5. Công tác quản lý

  1. Ban hành nội quy của trường học trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với cán bộ, nhà giáo và người học.
  2. Nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, nhà giáo và người học để chủ động giải quyết các vướng mắc theo quy chế dân chủ, không để tồn đọng các vấn đề phức tạp, khiếu kiện tập thể, gây rối an ninh, trật tự xã hội trong trường học.
  3. Thực hiện tuần tra, kiểm soát phương tiện, người và tài sản ra, vào trường học để phát hiện và phối hợp ngăn chặn các hiện tượng gây mất trật tự xã hội trong trường học, xâm phạm tài sản công, tài sản của cán bộ, nhà giáo và người học.
  4. Thực hiện các quy định hiện hành về phòng, chống cháy, nổ, thiên tai, phòng, chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động.
  5. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật có liên quan đến cán bộ, nhà giáo và người học theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra trong trường học.

Điều 6. Xây dựng môi trường giáo dục

  1. Xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn trong trường học.
  2. Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất cho việc giảng dạy, học tập, vui chơi, hoạt động văn nghệ, thể thao của cán bộ, nhà giáo và người học.
  3. Xây dựng nếp sống văn hóa trong trường học, các phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh, bổ ích thu hút cán bộ, nhà giáo và người học tham gia.

Điều 7. Phối hợp liên ngành

  1. Chủ động phối hợp với địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình người học trong việc quản lý người học; phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực xung quanh trường học và khu vực có học sinh, sinh viên ở ngoại trú.
  2. Định kỳ, chủ trì tổ chức họp giao ban với công an địa phương và các cơ quan có liên quan để nắm tình hình và bàn biện pháp phối hợp quản lý người học.
  3. Xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương và phương án phối hợp xử lý khi có sự việc xảy ra về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học.

Chương III

 TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁO DỤC, HIỆU TRƯỞNG NHÀ TRƯỜNG

Điều 8. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương

  1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan công an cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các trường học trên địa bàn.
  2. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy định này trong các trường học thuộc phạm vi quản lý.

 Điều 9. Trách nhiệm của Hiệu trưởng (Giám đốc)  nhà trường

  1. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học.
  2. Thực hiện sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan công an ở địa phương trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của trường học.
  3. Ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của Quy định này. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, nhà giáo và người học trong trường học.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Kinh phí

  1. Hằng năm, các trường học dành khoản kinh phí thích hợp để chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
  2. Kinh phí chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được trích từ:
  3. a) Nguồn Ngân sách nhà nước theo quy định;
  4. b) Các khoản tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
  5. c) Các nguồn thu hợp pháp khác của trường học (nếu có).

Điều 11. Chế độ báo cáo

Kết thúc học kỳ, năm học, các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường học không thuộc phạm vi quản lý của các Sở Giáo dục và Ðào tạo báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và báo cáo đột xuất khi có sự việc xảy ra gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý trực tiếp.

Điều 12. Khen thưởng

  1. Thực hiện nghiêm túc Quy định về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học là một trong các tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng đối với các trường học, cán bộ, nhà giáo và người học.
  2. Tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội được trường học, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý giáo dục xem xét, khen thưởng theo quy định hiện hành.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.