Ngày 9/5/2025, Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với NEME Chair, ĐH Laval (Canada) tổ chức thành công Hội thảo Sinh viên Quốc tế 2025 với chủ đề “New Challenges, New Players, New Dynamics Towards a New Economic Globalization?” (Thách thức mới, tác nhân mới, động lực mới: Hướng tới xu hướng toàn cầu hóa kinh tế mới?).
Trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi đang vươn lên, những hệ thống truyền thống đang thay đổi và các thách thức toàn cầu kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn thì hội thảo này là cơ hội để suy ngẫm, khám phá những góc nhìn mới, và cùng nhau hướng tới một nền kinh tế toàn cầu bao trùm và linh hoạt hơn. Hội thảo sinh viên 2025 là diễn đàn để các giảng viên, chuyên gia cùng sinh viên trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về nhiều khía cạnh của vấn đề quan trọng này.
Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có TS Hà Công Anh Bảo - Trưởng Khoa Luật; PGS, TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự, Trưởng Bộ môn Pháp luật Kinh doanh Quốc tế; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; TS Vũ Kim Ngân - Phó Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; các cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề.
Về phía các nhà nghiên cứu, các diễn giả tham gia Hội thảo có TS Lý Vân Anh - Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Những thách thức mới của Toàn cầu hóa kinh tế (Chaire NEME), ĐH Laval (Canada); ThS Cao Xuân Phong- Nguyên Trưởng Ban Pháp luật quốc tế, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Tuấn Phát - Giám đốc pháp lý, tuân thủ và quan hệ chính phủ của Asia Clean Capital Vietnam; cùng các giảng viên đến từ Khoa Luật của nhiều trường đại học, học viện tại Hà Nội.
Khai mạc hội thảo, TS Lý Vân Anh – Phó giám đốc Chương trình nghiên cứu về Những thách thức mới của toàn cầu hóa kinh tế đã lên phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu những thách thức, chủ thể, động lực mới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế đang bước vào một giai đoạn biến động chưa từng có.
ThS Mai Thị Chúc Hạnh cũng chia sẻ niềm vui khi được chào đón các chuyên gia, giảng viên và đặc biệt là các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trong và ngoài nước đến tham dự – không chỉ trong khuôn khổ hội thảo hôm nay mà còn trong những hoạt động học thuật và nghiên cứu sắp tới.
Sau gần 10 tháng viết bài và hoàn thiện, 17 bài nghiên cứu xuất sắc của sinh viên và các nhóm nghiên cứu đến từ 9 trường đại học và tổ chức khác nhau tại Việt Nam, Philippines, Pháp, Hungary, Trung Quốc, Tunisia và Canada đã được lựa chọn để trình bày trong 5 phiên họp của hội thảo.
Tại phiên thảo luận đầu tiên, với sự chủ trì của TS. Hà Công Anh Bảo, các bài trình bày tập trung vào những vấn đề chung của toàn cầu hóa kinh tế mới. Mở đầu là bài viết của tác giả Phạm Xuân Phong về những phức tạp trong việc lồng ghép chính sách môi trường vào cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS), trọng tâm là các xu hướng và thách thức đặt ra cho Việt Nam. Tác giả Amiel Gian Mario L. Zapanta đến từ Philippines đã phân tích ảnh hưởng của các chuẩn mực giới toàn cầu đến chính sách thương mại ASEAN, mở ra góc nhìn mới mẻ trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Nhóm tác giả đến từ Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Kinh tế & Kinh doanh Budapest cũng chia sẻ những rào cản thực tiễn trong việc phát triển thị trường carbon rừng tại Việt Nam, so sánh với các nguyên tắc thiết kế quốc tế.
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Động lực mới hướng tới xu hướng toàn cầu hóa kinh tế mới” dưới sự dẫn dắt của chủ tọa là PGS, TS Nguyễn Minh Hằng tiếp tục đẩy mạnh phân tích về các yếu tố thúc đẩy sự vận hành của toàn cầu hóa. Tác giả Bernard-Apéré Lise mang đến góc nhìn độc đáo về vai trò ít được biết đến của các liên minh nông nghiệp châu Âu trong việc quốc tế hóa các chỉ dẫn địa lý (IGs). Từ ĐH Paris 1 Panthéon Sorbonne, tác giả SY Mandiaye Alassane trình bày nghiên cứu về ảnh hưởng của sáng kiến "Vành đai – Con đường" đến Tây Phi từ những năm 1980, cho thấy châu Phi đang trở thành một mắt xích quan trọng trong cấu trúc toàn cầu mới. Còn tác giả Uranga Paul lại tập trung vào sự tự do quy chuẩn trong các hiệp định bảo hộ đầu tư, đề xuất một hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong soạn thảo pháp lý quốc tế.
Tiếp sau đó, các phiên thảo luận 3, 4 và 5 đã được diễn ra song song, mang đến nhiều góc nhìn đa dạng và sâu sắc về những khía cạnh then chốt của quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay.
Phiên thảo luận thứ ba tập trung vào những thách thức mới nổi, nơi các tác giả đã phân tích những rào cản pháp lý và thể chế đang định hình lại cục diện thương mại quốc tế. Tiêu biểu là bài trình bày của Serena Ortigosa về tác động của quy định trợ cấp nước ngoài của EU lên các quốc gia châu Á trong khi Zaineb Azaiez thảo luận về sự biến chuyển trong tương tác kinh tế toàn cầu và Samuel Sawadogo đem đến một góc nhìn luật học về công lý môi trường trong các chính sách công nghiệp quốc tế.
Phiên thảo luận thứ tư khai thác vai trò của các tác nhân mới trong bối cảnh toàn cầu hóa, từ cá nhân và doanh nghiệp đến các xu hướng công nghệ và chính sách. Nhóm tác giả Nguyễn Thảo Nhi và Nguyễn Trà My đặt ra bài toán pháp lý khi cân bằng giữa bảo vệ dữ liệu cá nhân và thương mại hóa dữ liệu. Nhóm của tác giả Nguyễn Xuân Bảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách tín dụng xanh từ Trung Quốc và khả năng vận dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài nghiên cứu về thuế tối thiểu toàn cầu từ nhóm tác giả Việt Nam - Trung Quốc và thảo luận về chính sách friend-shoring của Việt Nam tiếp tục khẳng định sự nổi lên của các tác nhân mới trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Phiên thảo luận thứ năm tập trung vào những cơ hội đang mở ra trong làn sóng toàn cầu hóa mới. Nhóm của tác giả Nguyễn Thúy Hiên đề xuất tăng cường vai trò của đơn vị đánh giá trái phiếu xanh, rút ra từ kinh nghiệm Trung Quốc. Trong khi đó, bài nghiên cứu về xuất khẩu cà phê sang thị trường Canada trong bối cảnh CPTPP của Lương Ngọc Huyền và Đặng Thanh Mai cho thấy tiềm năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Tác giả Nguyễn Hàn Giang mang đến cái nhìn liên ngành về di cư lao động như một chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu trong Tiểu vùng Mekong. Cuối cùng, nhóm của tác giả Bùi Ngọc Khánh Linh đã đưa ra phân tích sâu sắc về việc tháo gỡ thẻ vàng EU cho ngành thủy sản Việt Nam, rút ra bài học từ thành công của Thái Lan.
Năm phiên thảo luận của Hội thảo Sinh viên Quốc tế 2025 đã khép lại thành công với những phần trình bày đầy tâm huyết từ các nhóm tham dự. Sau quá trình thảo luận và đánh giá kỹ lưỡng, ban giám khảo cũng như các chuyên gia tham gia thảo luận đã chọn được ra 5 bài viết xuất sắc nhất và 5 bài trình bày xuất sắc nhất của mỗi phiên.
Hội thảo Sinh viên Quốc tế 2025 với chủ đề “New Challenges, New Players, New Dynamics Towards a New Economic Globalization?” không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là cầu nối kết nối tri thức, khơi dậy đối thoại và hợp tác xuyên biên giới – đúng với tinh thần cốt lõi của một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ. Các bạn sinh viên trong và ngoài nước đã thể hiện năng lực nghiên cứu nghiêm túc, tư duy toàn cầu và tinh thần chủ động giải quyết các vấn đề kinh tế - pháp lý mới nổi. Những chủ đề được lựa chọn không chỉ phản ánh sự quan tâm sâu sắc đến các xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra, mà còn cho thấy sự sẵn sàng đóng góp trí tuệ của thế hệ trẻ vào việc kiến tạo một môi trường quốc tế công bằng, bền vững và thích ứng hơn. Ban Tổ chức hy vọng thành công của hội thảo năm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho các hoạt động hợp tác lâu dài giữa Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Laval, Canada thông qua việc tổ chức hội thảo thường niên tiếp theo, tạo điều kiện để các bạn sinh viên được học hỏi, chia sẻ và cùng nhau định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.