Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu và quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT- BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/03/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;
Căn cứ quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học;
Căn cứ thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Nhà trường hướng dẫn thực hiện chế độ Miễn, giảm học phí + Hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên đang học tại trường học kỳ II, năm học 2019 - 2020 như sau:
- MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ
1.1. Đối tượng được miễn học phí
Sinh viên được miễn giảm học phí thuộc một trong những đối tượng sau:
- a) Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
- b) Sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
- c) Sinh viên hệ cử tuyển.
- d) Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
- e) Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người (La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu…) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- g) Sinh viên không có nguồn nuôi dưỡng.
1.2. Đối tượng được giảm học phí
- a) Các đối tượng được giảm 70% học phí
Sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải là dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- b) Các đối tượng được giảm 50% học phí
Sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
1.3. Cơ chế xét miễn, giảm học phí
- Sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ cho cả thời gian học tập. Sinh viên đã nộp hồ sơ tại các năm học trước không phải nộp hồ sơ. Riêng đối với sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; hộ nghèo, hộ cận nghèo; vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì từng học kỳ phải nộp bổ sung 01 bộ hồ sơ đầy đủ để xét miễn, giảm học phí cho học kỳ đó.
- Trường hợp trong quá trình học tập, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí không nộp đơn đề nghị kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định và thời hạn thì chỉ được miễn, giảm học phí tính từ ngày cơ sở giáo dục đại học nhận được đầy đủ hồ sơ và không được giải quyết truy lĩnh tiền miễn, giảm học phí đối với thời gian đã học từ trước thời điểm sinh viên gửi hồ sơ đề nghị kèm theo các giấy tờ cần thiết có liên quan.
- Sinh viên tốt nghiệp muộn khóa 53, khóa 54 (không vi phạm quy chế đào tạo) thuộc đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí phải nộp lại 01 bộ hồ sơ đầy đủ để xét (Ghi rõ lý do tốt nghiệp muộn trong Đơn xin xét miễn, giảm học phí).
1.4. Hồ sơ đề nghị miễn, giảm học phí
Hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm học phí bao gồm các giấy tờ (bản sao công chứng) sau:
- Đơn đề nghị xét miễn, giảm học phí (theo mẫu đính kèm);
- Các minh chứng thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí (do cơ quan có thẩm quyền cấp trong đúng thời hạn xét).
- Giấy khai sinh;
- Các giấy tờ có liên quan.
- HỖ TRỢ CHI PHÍ HỌC TẬP ĐỐI VỚI SINH VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ
2.1. Điều kiện được hưởng chính sách
- Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
- Không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học.
2.2. Mức hỗ trợ
Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên; số năm được hưởng hỗ trợ chi phí học tập theo thời gian đào tạo chính thức.
2.3. Quy định về dừng cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập
Sinh viên bị dừng cấp kinh phí hỗ trợ học tập khi vi phạm một trong những điều sau:
- a) Sinh viên bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì không được nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập kể từ thời điểm Quyết định kỷ luật có hiệu lực. Trường hợp sinh viên đã nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập mà bỏ học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học thì cơ sở giáo dục đại học công lập dừng thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ chi phí học tập vào kỳ học tiếp theo.
- b) Sinh viên bị đình chỉ học tập (có thời hạn) thì không được nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trong thời gian bị đình chỉ, trừ trường hợp dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban hoặc dừng học vì lý do khách quan được nhà trường xác nhận. Trường hợp sinh viên đã nhận kinh phí hỗ trợ chi phí học tập mà bị đình chỉ học tập thì cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện khấu trừ số tiền tương ứng với số tháng bị đình chỉ học tập vào kỳ học tiếp theo sau khi sinh viên nhập học lại.
2.4. Cơ chế xét
- a) Sinh viên thuộc diện hỗ trợ chi phí học tập chỉ phải nộp hồ sơ 01 lần vào đầu năm học. Trong năm học, nếu gia đình sinh viên thuộc diện đã thoát nghèo thì sinh viên có trách nhiệm nộp văn bản chứng nhận hộ đã thoát nghèo để dừng việc chi trả chi phí học tập cho kỳ tiếp theo.
- b) Đối với sinh viên chưa thuộc diện hỗ trợ chi phí học tập, nếu trong năm học, gia đình sinh viên được bổ sung diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì nộp hồ sơ bổ sung đối tượng hưởng chính sách làm căn cứ chi trả chi phí học tập trong kỳ tiếp theo. Thời gian được hưởng theo hiệu lực của Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- c) Trường hợp trong quá trình học tập, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập không nộp đơn đề nghị kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định thì chỉ được chi trả chi phí học tập tính từ ngày cơ sở giáo dục đại học nhận được đầy đủ hồ sơ đến khi kết thúc khóa học và không được giải quyết truy lĩnh tiền hỗ trợ chi phí học tập đối với thời gian đã học từ trước thời điểm sinh viên gửi hồ sơ đề nghị kèm theo các giấy tờ cần thiết có liên quan.
- d) Sinh viên tốt nghiệp muộn khóa 53, khóa 54 (không vi phạm quy chế đào tạo) thuộc đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm học phí phải nộp 01 bộ hồ sơ đầy đủ để xét (Ghi rõ lý do tốt nghiệp muộn trong Đơn xin xét miễn, giảm học phí, mục Thuộc đối tượng…).
2.5. Hồ sơ đề nghị xin hỗ trợ chi phí học tập
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí học tập bao gồm các giấy tờ (bản sao công chứng) sau:
- Đơn đề nghị hỗ trợ chi phí học tập (theo mẫu đính kèm);
- Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND xã, phường, thị trấn (Chứng nhận cho năm 2020);
- Giấy khai sinh;
- Các giấy tờ có liên quan.
- 3. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM NHẬN HỒ SƠ
- Sinh viên nộp hồ sơ qua đường Bưu điện tới địa chỉ: Phòng Công tác Chính trị và Sinh viên, trường Đại học Ngoại thương: Số 91 phố Chùa Láng, Quận Đống Đa, Hà nội.
- Thời gian nộp hồ sơ: Từ ngày 13/4/2020 đến ngày 24/4/2020 (tính theo dấu gửi của Bưu điện).
- Thời gian xét và công bố (dự kiến): trước ngày 30/4/2020.
Chú ý: Sinh viên xem thông tin liên quan và danh sách dự kiến miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập tại website: ctctsv.ftu.edu.vn. Thời hạn xem xét, thắc mắc trong vòng 10 ngày kể từ ngày đưa thông tin lên website. Sau khi Nhà trường ban hành quyết định, mọi thắc mắc sẽ không được giải quyết./.
TL.HIỆU TRƯỞNG
Nơi nhận:
- BGH (để b/c);
- P.KHTC, P.QLĐT, V.KT&KDQT, K.TCNH, K.QTKD, K.KT-KT, K.KTQT,K.Luật, K.TATM, K.TPTM, K.TTrTM, K.TNTM, ĐTN (để biết);
- Lưu: CTCT&SV.
KT. TRƯỞNG PHÒNG CTCT&SV
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG PHỤ TRÁCH
(Đã ký)
TS Bùi Liên Hà